Tảo cô đặc từ công nghệ nuôi thâm canh và thu sinh khối vi tảo Thalassiosira sp. có chất lượng và giá trị dinh dưỡng phù hợp cho sản xuất giống nhiều loài thủy hải sản. Sản phẩm có thể triển khai sản xuất tại Việt Nam để chủ động nguồn cung cấp, thay thế vi tảo tươi, đáp ứng kịp thời nhu cầu về thức ăn giúp tăng năng suất, chất lượng con giống
Đây cũng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố "Xây dựng quy trình nuôi và thu sinh khối vi tảo Thalassiosira sp. để phục vụ việc nâng cao chất lượng giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei) tại Cần Giờ, TP.HCM" do Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam bộ chủ trì thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.
ThS. Nguyễn Hữu Thanh (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, vi tảo tươi có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho nhiều đối tượng nuôi thủy hải sản, đặc biệt là ấu trùng nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Đến nay, có khoảng 20 loài tảo đơn bào được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Thalassiosira sp. là giống tảo có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều đối tượng thủy sản, nhất là ấu trùng tôm nói chung và tôm thẻ chân trắng nói riêng.
Tuy nhiên, giá thành Thalassiosira sp. rất cao (khoảng 50-200 USD/kg khối lượng khô), thường chiếm 20-50% chi phí của trại sản xuất giống, đặc biệt là trại sản xuất giống trên các đối tượng hai mảnh vỏ. Nuôi tảo theo phương pháp truyền thống trong trại sản xuất giống đôi khi không đảm bảo về mặt số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu sản phẩm thay thế như nấm men, vi khuẩn, thức ăn viên tổng hợp, tảo khô, tảo cô đặc,…Trong đó, sản phẩm tảo cô đặc ở dạng lỏng hoặc nhão được đánh giá có khả năng thay thế tảo tươi, nhưng việc phát triển các sản phẩm này phải đảm bảo duy trì chất lượng dinh dưỡng sau thời gian bảo quản và không gây độc cho đối tượng nuôi.
Để cải thiện năng suất và chất lượng sản xuất giống thủy hải sản, nhiều loài tảo, trong đó có Thalassiosira sp., đã được nghiên cứu nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm hoặc ở quy mô sản xuất. Tuy nhiên, tại Việt Nam hầu như chưa có đơn vị/tổ chức nào sản xuất, mà thường nhập khẩu với giá khá cao (từ 5 triệu đồng/kg tảo dạng nhão), nguồn cung cấp khan hiếm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các trại giống trên cả nước.
Với đề tài này, nhóm tác giả đã xây dựng được quy trình công nghệ nuôi sinh khối, thu hoạch và tạo sản phẩm vi tảo Thalassiosira sp. cô đặc ở dạng lỏng và dạng nhão; thử nghiệm ứng dụng sản phẩm vào ương ấu trùng tôm và nghêu.
Theo đó, quy trình công nghệ nuôi sinh khối vi tảo Thalassiosira sp. ở quy mô sản xuất bằng hệ thống ống nuôi khép kín (dung tích 1.000 lít) sử dụng tảo giống ở pha tăng trưởng có mật độ ban đầu 5x104 tb/mL; nước biển độ mặn 25‰; môi trường dinh dưỡng F/2 (Guillard và Ryther, 1962); vận tốc dòng chảy 0,6-0,7 m/s; nhiệt độ 29-310C (duy trì bằng hệ thống phun sương tự động). Hệ thống ống nuôi (làm từ ống nhựa acrylic trong suốt Ф60 mm, chiều dày 2 mm, chiều dài 2 m) được bố trí ngoài trời, phủ lưới che để hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp và cường độ ánh sáng trong khoảng 5.000-7.000 lux. Khi sinh khối tảo gần đạt cực đại (khoảng 3-4 ngày nuôi) tiến hành bổ sung CO2 để ổn định pH trong khoảng 8,3-8,6 và hạn chế lượng khí oxy tích lũy. Tiến hành thu hoạch sinh khối tảo khi mật độ đạt từ 5x105 tb/mL (sau khoảng 4-5 ngày nuôi) với tỷ lệ thu hoạch là 30% (300 lít) đồng thời bổ sung thêm môi trường nuôi với thể tích tương ứng với lượng đã thu hoạch.
Kết quả, hệ thống nuôi đạt mật độ cực đại khá lớn 53,06 x 104 tb/mL (vào ngày thứ 5), mật độ trung bình 40-50 x104 tb/mL. Sinh khối vi tảo Thalassiosira sp. từ hệ thống nuôi được thu hoạch bằng phương pháp ly tâm ở tốc độ 3.000 vòng/phút, hiệu suất ly tâm 97±1,67% và tỷ lệ sống tế bào 99,2±0,8%. Sản phẩm cô đặc Thalassiosira sp. dạng nhão có mật độ 320 triệu tb/mL (10 kg), đạt tỷ lệ sống 85% sau 8 tuần bảo quản; dạng lỏng có mật độ 32 triệu tb/mL (50 lít), đạt tỷ lệ sống 73% sau 4 tuần bảo quản. Sản phẩm có mùi bình thường, không nhiễm khuẩn và mức độ kết dính tế bào <10%, giá trị dinh dưỡng tương đương tảo tươi trong khoảng thời gian bảo quản (từ 1-4 tuần). Sử dụng trong ương ấu trùng tôm và nghêu cho thấy, tảo cô đặc Thalassiosira sp. dạng nhão hay lỏng hoàn toàn có thể thay thế tảo tươi và tảo khô spirulina trong ương ấu trùng tôm, thay thế tảo tươi trong ương ấu trùng nghêu giai đoạn trôi nổi đến đáp đáy.
Theo ThS. Nguyễn Hữu Thanh, sản phẩm đã được một số trại giống tại Cần Giờ (bao gồm sản xuất giống nhuyễn thể) thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả, chủ động được nguồn tảo làm thức ăn tự nhiên, góp phần làm tăng tỷ lệ sống và chất lượng con giống, giảm chi phí sản xuất. Các sản phẩm có thể tiến tới sản xuất quy mô lớn và thương mại hóa, giá thành không cao hơn sản phẩm nước ngoài. Dự kiến, tảo cô đặc Thalassiosira sp. dạng nhão có giá khoảng 2 triệu đồng/kg, dạng lỏng 200 ngàn đồng/lít.
Hiện tại, nhóm tác giả đang tiến hành các bước hoàn thiện công nghệ và liên kết với một số doanh nghiệp tư nhân để sản xuất khoảng 30-50 lít/tháng sản phẩm dạng lỏng phục vụ cho sản xuất giống tôm, đặc biệt là trong mùa nghịch, thời tiết không thuận lợi. Nhóm cũng có thể sản xuất theo đặt hàng hoặc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư và duy trì việc vận hành sản xuất quanh năm, phục vụ cho ương nuôi nhiều đối tượng thủy hải sản khác nhau.
Theo Vân Nguyễn
(Nguồn: http:// http://cesti.gov.vn/ )