Nghiên cứu thực nghiệm 6G cho thấy đang có nhiều ứng dụng tiềm năng ngoài giao tiếp di động, thậm chí có thể sáng tạo nên cấp độ tiếp theo của giao tiếp giữa người với người.
Theo Tom Marzetta, vào năm 2016, ông và 4 tác giả khác đã hoàn thành quyển sách “Fundamentals of Massive MIMO” (tạm dịch: Những nguyên tắc cơ bản của Massive MIMO). Massive MIMO (multi-input multi-output) cho phép đóng gói hàng chục ăng-ten nhỏ thành một mảng duy nhất. Số lượng ăng-ten cao có nghĩa là có thể gửi và nhận nhiều tín hiệu hơn cùng một lúc, tăng đáng kể hiệu quả của một tháp di động. Cho đến nay, Massive MIMO là sơ đồ không dây hiệu quả nhất được phát minh, đang trở thành một phần không thể thiếu của 5G cùng với sóng milimet.
Kể từ khi gia nhập NYU Wireless (bốn năm trước), Tom Marzetta tập trung nghiên cứu để làm điều gì đó tốt hơn gấp mười lần so với Massive MIMO, nhằm tìm ra cách có thể cải tiến hoặc sáng tạo mới sơ đồ không dây này theo những nguyên tắc của nó. Và đó là lý do tại sao Tom Marzetta cho rằng ông đang làm việc trên 6G.
Ở NYU Wireless, các chuyên gia đang thực hiện cả nghiên cứu 6G thực nghiệm và lý thuyết. Chẳng hạn như Ted Rappaport và Sundeep Rangan hiện đang xem xét dải băng tần terahertz (THz), bằng các phép thử trong phòng thí nghiệm và ngoài trời để đo đạc sự lan truyền. Cả 2 chuyên gia kể trên đang nghĩ đến những ứng dụng tiềm năng khác ngoài giao tiếp di động. Với bước sóng bằng 1/10 so với sóng milimet, người dùng có thể xác định vị trí điện thoại di động với độ chính xác cao hơn 10 lần, hoặc bắt đầu làm những việc rất thú vị như chụp ảnh terahertz, phát hiện nhịp tim (phục vụ các ứng dụng cảm biến y tế)…
Một số ứng dụng có thể triển khai tốt nhờ hạ tầng 6G
Về mặt lý thuyết, theo Tom Marzetta, 6G sẽ được áp dụng ở dải tần dưới 6GHz chứ không phải ở dải sóng milimet hoặc terahertz. Dải tần dưới 6GHz được cho là có giá trị nhất đến từng hertz, vì có thể xuyên qua các tòa nhà.
“Điều mà chúng ta thực sự đang theo đuổi là cấp độ tiếp theo của giao tiếp giữa người với người sẽ như thế nào? Theo một nghĩa nào đó, 5G không mang lại bất kỳ cấp độ giao tiếp mới giữa người với người nào, bởi vì 4G, và sau đó là các phần đầu tiên của 5G, chỉ là cho phép phát trực tuyến video.”, Tom Marzetta nói.
Theo quan điểm của Tom Marzetta, cấp độ tiếp theo của giao tiếp giữa người với người sẽ là AR (augmented reality) ở khắp mọi nơi. Mọi người sẽ không thể hoàn thành công việc trong năm qua nếu không có hạ tầng viễn thông chất lượng cao. Nhưng ai cũng chán ngấy với những ứng dụng như Zoom. Đó sẽ là một thứ biến đổi. Từ quan điểm truyền thông không dây, AR đặt ra các yêu cầu đáng kinh ngạc, ví dụ như yêu cầu thông lượng trên mỗi người dùng là 2 gigabit mỗi giây (Gbps). Giả sử có 50.000 người dùng muốn dùng AR cùng một lúc, thì làm thế nào để cung ứng 2Gbps cho từng người dùng?
Do đó, 6G được kỳ vọng là nền tảng sáng tạo nên cấp độ tiếp theo của giao tiếp giữa người với người.
(Nguồn: Hoàng Kim (CESTI) - Theo IEEE Spectrum)