Tiêm kết hợp các loại vaccine COVID: Lợi ích và rủi ro

Quản trị viên 16/07/2021 Tin tức - sự kiện
Một loạt nghiên cứu cho thấy việc trộn vaccine sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhưng cũng gây ra những tác dụng phụ hiếm gặp

Để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, một số quốc gia đang từng bước cho phép tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau và một số nước đang cân nhắc. Gần đây, lãnh đạo một số nước cũng đã được tiêm chủng theo mô hình kết hợp này, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa được tiêm mũi 2 bằng vaccine của hãng Moderna, hay Thủ tướng Italy Mario Draghi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, sau khi tiêm mũi 1 là vaccine của hãng Astra Zeneca. Tôi lược dịch giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới đây xung quanh những lợi ích và rủi ro khi kết hợp các loại vaccine COVID.

Nhiều quốc gia đang cho phép tiêm ghép hai liều vaccine thuộc hai loại vaccine khác nhau để giảm sức ép thiếu nguồn cung. Ảnh: Twitter

Tăng cường hệ thống miễn dịch

 Vào tháng năm, các nhà nghiên cứu tại Viện sức khỏe Carlos III ở Madrid đã công bố kết quả thử nghiệm CombiVacS, cho thấy những người tiêm một liều vaccine Oxford-AstraZeneca sau đó 8-12 tuần tiêm mũi vaccine Pfizer tiếp theo, đã có miễn dịch mạnh mẽ.

 Mặc dù không có nghiên cứu so sánh đối đầu giữa những người được tiêm hai loại vaccine khác nhau với những người được tiêm hai liều vaccine của cùng một loại, nhưng nhóm nghiên cứu đánh giá trong phòng thí nghiệm cho thấy những người được tiêm kết hợp hai loại vaccine đã tạo ra kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 nhiều hơn 37 lần, và là tế bào miễn dịch đặc hiệu SARS-CoV-2 (được gọi là tế bào T) tăng lên gấp bốn lần so với những người chỉ dùng một liều tiêm Oxford-AstraZeneca.

 Đến cuối tháng sáu, nhiều kết quả nghiên cứu khác cũng báo cáo cho thấy hiệu ứng tương tự.

Một thử nghiệm khác tên là Com-COV, trên 340 nhân viên y tế được nhận được hai liều vaccine Pfizer – BioNTech, hoặc mũi đầu tiên của vaccine Oxford – AstraZeneca, sau đó là một liều Pfizer – BioNTech. Cả hai phác đồ đều kích hoạt phản ứng miễn dịch bao gồm các kháng thể trung hòa và tế bào T.

 Một nghiên cứu thứ ba, do các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland ở Homburg, Đức thực hiện cũng đã phát hiện ra rằng phác đồ tiêm hỗn hợp vaccine tốt hơn trong việc kích thích phản ứng miễn dịch so với tiêm riêng lẻ hai mũi AstraZeneca. Phác đồ này cũng tốt bằng hoặc tốt hơn việc tiêm riêng lẻ hai mũi vaccine của Pfizer – BioNTech.

 Vaccine Oxford – AstraZeneca sử dụng một loại virus vô hại là adenovirus để mang vật chất di truyền từ SARS-CoV-2 vào tế bào. Vaccine sử dụng công nghệ này có tác dụng việc tạo ra đáp ứng mạnh mẽ của tế bào T, còn vaccine sử dụng RNA thông tin, chẳng hạn như của hãng Pfizer, đã chứng tỏ “đặc biệt tốt” trong việc tạo ra lượng kháng thể cao. “Các kháng thể trung hòa cho thấy hiệu quả giúp ngăn ngừa nhiễm virus. Nhưng các tế bào T, đặc biệt là các tế bào T ‘sát thủ’ mang một protein gọi là CD8, bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng bằng cách giết chết các tế bào đã bị nhiễm bệnh”. Trộn vaccine mRNA và vaccine dựa trên adenovirus có thể đem lại ‘điều tốt nhất của mỗi loại’.

 Ngoài ra, Martina Sester và nhóm nghiên cứu ở ĐH Saarland cũng đã tìm thấy mỗi loại vaccine được tiêm tạo ra lượng tế bào T khác nhau một chút và điều này có thể dẫn đến việc đưa ra cách thức điều trị cá thể hóa phù hợp với từng người. Ví dụ, nếu như kết hợp tiêm hai loại để tạo ra nhiều tế bào T hơn thì có thể tốt hơn cho những người đã cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch của họ, bởi vì cơ thể của họ sẽ phải vật lộn để tạo ra kháng thể. “Có nhiều cách để khai thác thông tin này phục vụ cho chiến lược điều trị”, bà nói.

 Hiện nay chưa có thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine nào cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo dữ liệu sơ bộ của nghiên cứu Com-COV, việc trộn vaccine gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với việc tiêm hai liều vaccine giống nhau. Nhưng điều này không xảy ra trong các nghiên cứu của Đại học Saarland hoặc CombiVacS. Theo báo cáo của các nhóm này, các tác dụng phụ khi tiêm liều phối trộn hoặc kết hợp không nghiêm trọng hơn so với hai mũi tiêm cùng một loại vaccine.

 Theo Sester, tác dụng phụ khác nhau có thể là do khoảng cách giữa các liều tiêm. Những người tham gia thử nghiệm Com-COV được tiêm mũi thứ hai sau bốn tuần tiêm liều ban đầu, trong khi những người tham gia nghiên cứu của Đại học Saarland có ít nhất chín tuần giữa các lần tiêm.

 Mối quan tâm về an toàn

 Nhà miễn dịch học Leif Erik Sander tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin cho biết vẫn còn lo ngại về an toàn. “Bạn đang kết hợp hai loại vaccine khác nhau, cả hai đều có thể có gây ra các biến cố bất lợi và tác dụng phụ riêng”, ông nói, và điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố.

 Các nghiên cứu về tiêm hai loại vaccine cho đến nay chỉ có vài trăm người tham gia thử nghiệm. Điều này có nghĩa là quy mô mẫu quá nhỏ để có thể nhận ra các sự kiện hiếm gặp như tình trạng đông máu, theo ước tính hiện tại tác dụng phụ này xảy ra ở khoảng một trong 50.000 người sau liều vaccine Oxford-AstraZeneca đầu tiên và dưới một trong 1,7 triệu người sau liều thứ hai. Một loại vaccine adenovirus do Johnson & Johnson sản xuất cũng ở tình trạng tương tự.

 Trong các nghiên cứu nhỏ, “bạn không nhận ra một tác dụng phụ trong 1.000 tác dụng phụ có thể xảy ra đối với mình, chứ đừng nói đến tác dụng phụ một trong 50.000”, Matthew Snape, một nhà nghiên cứu vaccine ở Oxford, người đứng đầu nghiên cứu Com-COV, cho biết tại một họp báo vào ngày 28/6.

 Đồng thời, các thử nghiệm cho đến nay vẫn còn ở quy mô quá nhỏ để kiểm tra hiệu quả của kết hợp vaccine trong việc ngăn chặn sự phát triển COVID-19 ở người diễn ra như thế nào. Martina Sester, cho biết: “Nếu như bạn không có bất kỳ nghiên cứu dài hạn hoặc tiếp diễn nào để tính toán về hiệu quả vaccnine, thì khó có thể nói được về mức độ hoặc thời gian bảo vệ”.

 Một hạn chế khác của việc tiêm hai loại vaccine cho đến nay là không có cách nào dễ dàng để so sánh các phác đồ tiêm kết hợp khác nhau giữa các nghiên cứu. Sester cho biết, khi nghiên cứu về hiệu quả trên quy mô lớn sẽ trở nên khó khăn hơn bởi vì khi tỷ lệ lây nhiễm giảm thì sẽ cần phải tăng số lượng người phải theo dõi để phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào về tỷ lệ nhiễm bệnh và phát bệnh.

 Đó là một lý do tại sao các nhóm nghiên cứu đang nỗ lực xác định một ‘mối tương quan về khả năng bảo vệ’ - một mức độ đáp ứng miễn dịch đã được xác định để giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Theo Sander, đây là việc cực kỳ khẩn cấp.

 Tiêu chuẩn mới?

 Khả năng kéo dài của các tác dụng phụ hiếm gặp là một lý do mà một số nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên tiêm hai mũi tiêm tiêu chuẩn của một loại vaccine duy nhất.

 Nhưng trong khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện, kết quả của các thử nghiệm phối trộn và kết hợp có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách dữ liệu mà họ cần để chuyển sang các kết hợp tiêm nhằm có hiệu lực bảo vệ tốt hơn.

 Kết hợp các loại vaccine cũng giúp các nước có thể linh hoạt tiêm chủng khi không may gặp vấn đề về nguồn cung. Nếu có sự thiếu hụt toàn cầu về một loại vaccine nào đó, thì thay vì dừng chương trình tiêm chủng, chương trình này có thể tiếp tục – bằng một loại vaccine khác.

Nghiên cứu của Com-COV đã bắt đầu thử nghiệm tiêm thêm các loại vaccine khác ở những người đã được tiêm mũi đầu tiên của Oxford-AstraZeneca hoặc Pfizer – BioNTech. Trong đó, nghiên cứu này đã bắt đầu theo dõi việc kết hợp với một loại vaccine dựa trên protein của hãng Novavax, hoặc thử nghiệm thêm với vaccine mRNA của Moderna.

 Tại Philippines, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine virus bất hoạt CoronaVac của Sinovac Trung Quốc với sáu loại vaccine khác đã được phê duyệt trong nước sẽ thực hiện cho đến tháng 11/2022. Một nghiên cứu của AstraZeneca và Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow sẽ thử nghiệm sự kết hợp của Oxford – AstraZeneca và Sputnik V của Nga.

 Cho đến nay trong ít nhất 16 loại vaccine đã được chấp thuận sử dụng ở một hoặc nhiều quốc gia nhưng vẫn còn rất ít các nghiên cứu phối trộn và kết hợp chúng với nhau, vì vậy cần có nhiều thử nghiệm rộng rãi hơn và theo dõi các tác dụng phụ lâu dài.

Theo cesti.gov.vn

(Nguồn: TS. Vũ Bích Ngọc (Viện Tế bào gốc, ĐH KHTN TP.HCM) lược dịch - nature.com - khoahocphattrien.)

Các tin liên quan