Chương trình KH&CN về dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng

Quản trị viên 16/07/2021 Tin tức - sự kiện
Sáng ngày 14/7, tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc và Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025 ngày 14/7. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như trong nội dung báo cáo gửi tới các vị đại biểu.

Theo đó, Chương trình đã tập trung giải quyết tốt một số mục tiêu cụ thể như: Cung cấp đầy đủ các luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc và đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức quản lý được thực hiện chặt chẽ, bài bản, đúng mục đích và đáp ứng tốt các quy định của pháp luật. Các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình có giá trị lý luận, thực tiễn và đã đề xuất được phương hướng và các giải pháp đổi mới chính sách dân tộc toàn diện nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc thời gian qua.

Cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và các chính sách dân tộc phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện chính sách cho giai đoạn tiếp theo, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong cả nước mà nòng cốt là đội ngũ các nhà lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Để triển khai tốt Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 ngày 15/02/2020 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đang tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng, đề xuất Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn II (2021-2025) để triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực công tác dân tộc, nhất là hoạt động KH&CN nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị, các nhà quản lý và nhà khoa học đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình, từ đó cung cấp cho Đảng, Nhà nước một ngân hàng dữ liệu đồ sộ, có giá trị khoa học và thực tiễn, làm cơ sở cho việc đổi mới hoạch định và thực thi chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay.

Theo PGS. TS Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cả Chương trình và từng đề tài đã đề xuất và kiến nghị với các cấp với nhiều góc độ, soi sáng cho cách nhìn vấn đề để có giải pháp cho giải quyết các vấn đề dân tộc; nhận diện các vấn đề nổi lên ở các địa bàn như đa tộc người để giải quyết kịp thời; kết quả của đề tài là nguồn học liệu có giá trị đối với công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về công tác dân tộc; thu hút được đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có uy tín; có nhiều công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí nước ngoài, quảng bá thành tựu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; qua đó đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa về công tác dân tộc theo chiều sâu, hướng trọng tâm vào nghiên cứu chính sách và lý luận trong bối cảnh công tác dân tộc hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng và tác động bởi chính sách của các nước lớn…

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng, cần coi đây là đầu mối về nghiên cứu chuyên sâu về công tác dân tộc, tránh trùng lắp trong nghiên cứu, cạn nguồn nghiên cứu nhưng cách quản lý phải giao đúng nơi, đúng việc, đúng vấn đề nghiên cứu, chuyển hoá nghiên cứu và thực tiễn đời sống xã hội và nhân dân, thể chế thành những kết luận, chỉ thị, chủ trương, đường lối và có tổng kết, đánh giá cụ thể, chọn ra và phân loại những đề tài cần thiết và cấp bách để ứng dụng thực tế.

Xã hội hoá cơ sở dữ liệu nguồn nghiên cứu này để có luận cứ, cơ sở khoa học thuyết phục để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc và ý đồ xấu xa của thế lực thù địch về công tác dân tộc của đất nước; kết thúc của chương trình nghiên cứu vào việc xây dựng kế hoạch của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành kịp thời đưa vào các chương trình để hoạch định chính sách cho kịp thời.

Theo ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20) tập trung vào giải quyết 3 mục tiêu cụ thể là: Cung cấp luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số (DTTS) và chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề xuất phương hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm phát triển bền vững đối với các DTTS ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, nhầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạch định và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Nhìn chung chương trình đã được Ủy ban Dân tộc triển khai đúng quy định của Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bám sát khung chương trình đã được phê duyệt. Chương trình đã có tổng số 51 nhiệm vụ. Công tác quản lý nhiệm vụ (phê duyệt đặt hàng; thông báo tuyển chọn, giao trực tiếp; mở hồ sơ; tổ chức tuyển chọn, giao trực tiếp; phê duyệt danh mục; tổ chức ký, thanh lý hợp đồng…) được thực hiện theo quy định của pháp luật; bám sát nội dung khoa học được phê duyệt tại khung chương trình. Các chỉ tiêu sản phẩm của chương trình đều bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt tại Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự thành công chương trình với rất nhiều chỉ tiêu và kết quả cụ thể đã đạt được, đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ triển khai kịp thời phục vụ cho chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ, giai đoạn 2021-2030.

Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Chuong-trinh-KHCN-ve-dan-toc-dat-duoc-nhieu-ket-qua-quan-trong/438098.vgp

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Các tin liên quan