Công nghệ tinh chế hoạt chất Citral và Beta – Myrcene bằng phương pháp chưng cất chân không và làm lạnh phân đoạn có thể triển khai sản xuất dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Sản phẩm có độ tinh khiết cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguyên liệu hữu cơ, phụ vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo TS. Lưu Xuân Cường (Giám đốc Công ty CP Quốc tế AOTA), Việt Nam có thế mạnh về sả chanh (sả ăn củ) với diện tích trồng và sản lượng lớn. Củ sả thường được dùng trong thực phẩm, lá dùng để chiết xuất tinh dầu nhưng sản phẩm đầu ra còn hạn chế và độ tinh khiết chưa cao. Tinh dầu sả chanh có nhiều hoạt chất có tiềm năng, trong đó, tính kháng khuẩn của tinh dầu sả chanh đã được chứng minh là do có sự hiện diện của hoạt chất Citral và Beta – Myrcene.
Hiện nay, việc sử dụng tinh dầu và chất chiết xuất tự nhiên từ thực vật là xu hướng nghiên cứu phổ biến trong nước và trên thế giới. Trong đó, tiềm năng thị trường của hoạt chất Citral và Beta – Myrcene rất lớn. Khảo sát bước đầu của AOTA cho thấy, năm 2020, thị trường Citral đạt 1.3 tỷ USD, Myrcene là 98.6 triệu USD. Dự đoán đến năm 2030 thị trường Citral ước đạt 4.5 tỷ USD. Citral được sử dụng làm nguyên liệu cho rất nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nước lau sàn, nước giặt đồ, dược phẩm, mùi hương thực phẩm, thực phẩm chức năng,… Myrcene là một thành phần chính trong các sản phẩm có công dụng giảm đau, giúp thư giãn và dễ ngủ. Về tiêu chuẩn của Citral và Beta – Myrcene, hiện nay có các yêu cầu về độ tinh khiết (85%, 90% hoặc 95% đối với Citral và Myrcene là 75%, 80% hoặc 90%) và tiêu chuẩn hữu cơ như ECOCERT, COSMOS.
TS. Lưu Xuân Cường trình bày tại hội thảo.
Về mặt công nghệ, đội ngũ của AOTA đã có kinh nghiệm nghiên cứu về công nghệ phân tách và tinh chế dược liệu. Nhận thấy tiềm năng thương mại và ứng dụng trong sản xuất dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của tinh dầu sả chanh, AOTA đã nghiên cứu, đề xuất quy trình công nghệ tinh chế hoạt chất Citral và Beta – Myrcene bằng phương pháp chưng cất chân không và làm lạnh phân đoạn. Công nghệ này bao gồm 2 công nghệ nối tiếp nhau là chưng cất chân không phân đoạn và làm lạnh phân đoạn. Ưu điểm là có thể tách chiết đồng thời Citral và Myrcene, đáp ứng tiêu chuẩn về độ tinh khiết cũng như tiêu chuẩn hữu cơ ECOCERT (phục vụ xuất khẩu). Có thể thấy, công nghệ này cho phép kiểm soát được độ tinh khiết của hoạt chất theo mong muốn. Cụ thể, ở giai đoạn 1 (chưng cất chân không phân đoạn) nguyên liệu có thể đạt được tiêu chuẩn tham gia thị trường (đối với Citral độ tinh khiết đạt 80 - 92%, Myrcene là 73 - 75%). Giai đoạn 2 (làm lạnh phân đoạn) giúp nâng cao hơn độ tinh khiết (đối với Citral đạt 95% - 98%, Myrcene là 80% - 90% hoặc 95%). Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng của công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
TS.Cường cho biết, lợi thế của công nghệ này là cho phép sản xuất đồng thời hai hoạt chất từ cùng một nguyên liệu, có thể cạnh tranh về giá thành sản phẩm cũng như sản xuất đưa ra thị trường xuất khẩu. Chi phí sản xuất 1 lít Citral khoảng 1.5 triệu đồng (quy mô 50 - 100 lít nguyên liệu/mẻ), 1 lít Myrcene là 1 triệu đồng. Công nghệ có thể triển khai ở quy mô công nghiệp, hướng tới thị trường dược phẩm, mỹ phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, công nghệ còn có thể áp dụng cho các loại tinh dầu khác như tràm gió, khuynh diệp, tràm trà.
Theo Lam Vân (https://cesti.gov.vn/)