NAFOSTED Mở rộng phạm vi tài trợ: Cần thiết nhưng chưa đủ

Quản trị viên 23/12/2022 Tin tức - sự kiện
Không chỉ khoanh vùng tài trợ và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu cơ bản, Quỹ NAFOSTED đang từng bước tiếp cận một số hoạt động nghiên cứu khác để có thể khuyến khích các nhà khoa học đưa các kết quả nghiên cứu có triển vọng ứng dụng của mình thành sản phẩm thực tế.

Thế nhưng gần ấy đã đủ để đưa một sản phẩm, một ý tưởng khoa học thành sản phẩm có thể chuyển giao cho doanh nghiệp?

Trong các chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, vận hành, Quỹ NAFOSTED đóng một vai trò đặc biệt. Đây là chương trình đầu tư theo cơ chế quỹ cho khoa học cơ bản, cả khối các ngành tự nhiên, kỹ thuật và xã hội nhân văn. Mặc dù hiện đang dần chuyển sang cơ chế dự toán ngân sách nhà nước nhưng so với các chương trình quốc gia khác, Quỹ NAFOSTED vẫn là một nơi thuần túy tài trợ và hỗ trợ cho khoa học cơ bản ở nhiều hạng mục khác nhau: ngoài các đợt xét duyệt đề tài nghiên cứu hằng năm còn có hỗ trợ, tài trợ các hoạt động nâng cao năng lực khác như tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị khoa học quốc tế; nghiên cứu sau tiến sĩ; thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam; nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học trong nước; hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…

Ở một vài năm gần đây, Quỹ NAFOSTED đã dần từng bước triển khai một số hoạt động tài trợ khác nằm ngoài phạm vi khoa học cơ bản, tuy không rình rang “trống rong cờ mở” nhưng chắc chắn và hướng đến hiệu quả thiết thực. Đó là tài trợ cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng và tiềm năng có triển vọng phát triển thành sản phẩm dưới dạng các công nghệ mới, giải pháp mới.

Vậy người ta đã có thể chờ đợi vào sự ra đời của những công nghệ mới, giải pháp mới ở tương lai không?

Khuyến khích nhà khoa học ra khỏi vòng an toàn

Với các nhà khoa học, các hoạt động tài trợ và hỗ trợ truyền thống của Quỹ NAFOSTED đã đem lại cơ hội cho họ có được những hiểu biết mới và các xuất bản quốc tế. Tuy con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, đưa những kiến thức đó thành các sản phẩm hữu hình và có thể chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ còn rất dài, thậm chí mất cả vài chục năm, nhưng cũng có một số ý tưởng từ đó có thể thuận lợi trong việc rút ngắn khoảng cách này. Nói một cách hình ảnh như giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tại tọa đàm “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý” do Hội đồng ngành vật lý (Hội đồng giáo sư nhà nước), Hội đồng ngành vật lý Quỹ NAFOSTED và trường ĐH Phenikaa tổ chức vào tháng 7/2020, “nghiên cứu khoa học cơ bản là biến tiền đầu tư của nhà nước hoặc của ai đó thành kiến thức của mình và đổi mới sáng tạo là rút ruột biến kiến thức thành tiền”.

Phòng thí nghiệm đại học Phenikaa.

Dẫu vậy, nhà khoa học không thể đơn độc trên hành trình đưa kiến thức thành sản phẩm hữu hình. Khác với nghiên cứu cơ bản, vốn đòi hỏi số kinh phí đầu tư không quá lớn nhưng độ rủi ro cao, thì nghiên cứu ứng dụng hoặc triển khai sẽ cần đến số kinh phí đầu tư lớn hơn gấp nhiều lần và độ rủi ro của nó còn nằm ở những công đoạn khác, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của nhà khoa học. Tuy nhiên nếu vì lý do đó mà để những kết quả nghiên cứu rất có triển vọng trở thành giải pháp mới hoặc công nghệ mới và có tiềm năng giải quyết được những vấn đề cấp bách cho xã hội vẫn nằm nguyên vẹn trong phòng thí nghiệm thì vô cùng lãng phí. Đó là lý do kể từ năm 2019, Quỹ NAFOSTED bắt đầu triển khai một số chương trình tài trợ mới, nổi bật là chương trình nghiên cứu ứng dụng và chương trình nghiên cứu tiềm năng.

Theo quan điểm của Quỹ, các nghiên cứu tiềm năng là nghiên cứu có tính ứng dụng cao và có triển vọng hình thành hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm mới thuộc lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm quốc gia như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hóa, công nghệ môi trường, với thời gian thực hiện không quá 36 tháng.

Trong khi đó, chương trình nghiên cứu ứng dụng hướng đến tài trợ cho các đề tài trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y, dược, khoa học nông nghiệp; khoa học xã hội, khoa học nhân văn, thời gian thực hiện cũng không quá 36 tháng.

Nếu hình dung từ nghiên cứu cơ bản với sản phẩm là bài báo ở đầu này đến đầu kia là hoạt động đổi mới sáng tạo với sản phẩm hữu hình có thể áp dụng ở thực tiễn như một con đường hoàn chỉnh thì nghiên cứu ứng dụng gần với khoa học cơ bản hơn còn nghiên cứu tiềm năng gần với thị trường hơn, một thành viên của Quỹ NAFOSTED giải thích. Ở đây, chương trình ứng dụng sẽ hướng đến tài trợ cho những ý tưởng còn ở trong khuôn viên phòng thí nghiệm của trường viện để tạo điều kiện cho nó trở thành những phương pháp, cách thức mới có thể giải quyết các vấn đề về xã hội, con người (đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) và công nghệ mới, bao gồm bí quyết kỹ thuật, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ (đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật).

Trên đà đó, chương trình tiềm năng sẽ hướng đến sản phẩm đầu ra là “giải pháp KH&CN với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra, sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu (nếu có)”, theo quy định của Quỹ NAFOSTED.

Điều đáng chú ý, cả hai chương trình đều mong muốn các nhà khoa học có được bằng sáng chế hoặc những giải pháp có chỉ rõ đối tượng sử dụng (chưa cần có đơn vị sử dụng cụ thể). “Nếu làm được như vậy cũng là một bước tiến so với trước đây. Nó cho thấy một quá trình tài trợ dài hơn của một cơ quan quỹ cấp quốc gia, không chỉ còn nằm ở phạm vi nghiên cứu cơ bản với sản phẩm bài báo nữa”, một nhà khoa học vật liệu tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận xét.

Liệu có hứa hẹn thành công?

Cho đến hiện tại, cả hai chương trình tiềm năng và ứng dụng đều đã được triển khai ở những mùa tài trợ đầu tiên. Với tiến độ dải ngân và ảnh hưởng của đại dịch COVID, đến nay hầu như chưa có đề tài nào được nghiệm thu. Vì vậy, chưa thể có được đánh giá về hiệu quả thực hiện ở cả hai chương trình.

Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu cho thấy có thể tin vào một kết quả khả quan của các đề tài trong khuôn khổ chương trình. Trước hết, đó là việc hầu hết các hồ sơ đề xuất đều từ các nhà khoa học có nhiều tâm huyết, kinh nghiệm nghiên cứu trong chuyên ngành hẹp của mình, ví dụ như PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM) với đề tài tiềm năng “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu polyme mới trên cơ sở liên kết siêu phân tử ứng dụng làm màng phủ ‘tự lành’ năm 2019– người mới đây trở thành một trong hai nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022; GS.TS Phạm Văn Hùng (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) với đề tài tiềm năng năm 2020 “Nghiên cứu công nghệ chiết xuất xanh các hợp chất tự nhiên có hoạt chất sinh học và phát triển các sản phẩm có khả năng kháng oxy hóa, kháng ung thư từ phụ phẩm của các loại cây công nghiệp cacao, điều và thanh long khu vực Nam Bộ” – người từng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018; TS. Bùi Hùng Thắng (Viện KH Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) với đề tài ứng dụng 2019 “Nghiên cứu vật liệu carbon cấu trúc nano gia cường cho lớp mạ hợp kim” – ứng viên của giải trẻ Tạ Quang Bửu năm 2017 và là tác giả của 9 bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp cùng 15 đơn sáng chế khác đang trong giai đoạn chờ Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định…

Những người điều hành Quỹ NAFOSTED và các thành viên hội đồng chuyên ngành cho rằng, thật khó để đưa ra những yêu cầu về sản phẩm như “phải có được địa chỉ ứng dụng”, “phải chuyển giao được công nghệ cho doanh nghiệp”… Đó là yêu cầu không tưởng trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho các đề tài còn khiêm tốn và thời gian thực hiện không quá 36 tháng.

Ở cả hai chương trình này, mức độ cạnh cạnh tranh cũng khá cao. “Không phải cứ gửi hồ sơ đến là được tài trợ. Muốn được phê duyệt thì phần thuyết minh đề tài cũng phải đủ sức thuyết phục hội đồng”, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam từng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ NAFOSTED nhưng cũng bị loại ở một đợt nộp hồ sơ chương trình ứng dụng, cho biết. Khác với các hội đồng khoa học cơ bản gồm các nhà khoa học thuần túy, các hội đồng khoa học ứng dụng ngành KHXH và nhân văn; KHTN, kỹ thuật và công nghệ; khoa học Y dược và nông nghiệp gồm có các nhà khoa học, quản lý khoa học và doanh nghiệp. Việc vượt qua những nấc đánh giá của các hội đồng này cũng không phải dễ.

Đây cũng là những yếu tố để người ta hy vọng vào khả năng thành công khi kết thúc đề tài. Mặt khác, nếu nhìn vào các đề tài được phê duyệt, kể từ năm 2019 đến nay, có thể thấy hầu hết đều liên quan đến những vấn đề mà xã hội đang quan tâm hoặc chờ đợi giải pháp từ lâu, ví dụ như sản phẩm thay thế kháng sinh trong phòng bệnh ở cá tra nuôi của TS. Hoàng Anh Hoàng (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM); quy trình công nghệ phân giải histamine trong nước mắm truyền thống của PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); tác động của vi nhựa trong trầm tích các hồ ở Hà Nội của TS. Mai Hương (ĐH Khoa học và Công nghệ HN) – chương trình tiềm năng 2019; thiết kế hệ thống quang điện nông nghiệp thân thiện với môi trường của TS. Vũ Ngọc Hải (ĐH Phenikaa); chế tạo băng gạc tải nano curcumin điều trị vết thương ở da của TS. Trịnh Như Thùy (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM)… - chương trình ứng dụng năm 2019…

Nếu thành công, các đề tài này rất có thể sẽ được thị trường chào đón. Nhưng có dễ như vậy?

Vẫn còn nhiều bước phải đi

Nếu nhìn vào cả một chu trình làm ra công nghệ và thương mại hóa nó thì có thể thấy còn rất nhiều công đoạn nữa để sản phẩm của các đề tài tiềm năng và ứng dụng mà Quỹ NAFOSTED có thể chuyển giao cho doanh nghiệp. Đây là một quá trình dài mà phần quyết định thành công lại là thị trường. Ngay cả việc tìm được “bạn đồng hành” doanh nghiệp, sẵn sàng đi cùng nhà khoa học ở chặng sản xuất thử nghiệm ở lô số không và sau đó đón nhận công nghệ thì cũng không có gì đảm bảo cho sản phẩm được thị trường chấp nhận.

Khoan chưa nói đến khả năng này, mới chỉ nhìn vào quy mô tài trợ khiêm tốn với kinh phí xấp xỉ khoảng 2 tỉ đồng/đề tài cũng có thể thấy việc chuyển đổi ý tưởng và kiến thức thành công nghệ cũng khá mong manh. GS. TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Lọc hóa dầu, từng chia sẻ, để thu được sản phẩm FNT6VN - một phụ gia đa năng với thành phần chứa hợp chất có chỉ số khúc xạ mol cao có thể pha vào các nhiên liệu lỏng nhằm đem lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải cho nhiên liệu – cần đến nhiều tỉ đồng với nhiều pha nghiên cứu ở các quy mô khác nhau, quy tụ nhiều viện nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia. Trong vòng hơn 10 năm, chị và nhóm nghiên cứu đã đi hết một chuỗi giá trị của sản phẩm: từ nghiên cứu, làm ra công nghệ đến thử nghiệm sản xuất, đánh giá và cuối cùng là bán hàng với sản phẩm thương mại là một phụ gia phù hợp với tất cả các loại nhiên liệu lỏng, pha trộn vô cùng dễ dàng mà không cần khuấy (do đó không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng) và với tỉ lệ vài phần triệu với xăng và chục phần triệu diesel, không làm thay đổi bất cứ chỉ tiêu nào của nhiên liệu nguyên thủy nhưng giúp đạt hiệu quả đốt cháy trong động cơ đến 10 đến 15%, giảm phát thải 50%.

Đứng trước sự phức tạp này, những người điều hành Quỹ NAFOSTED và các thành viên hội đồng chuyên ngành cho rằng, thật khó để đưa ra những yêu cầu về sản phẩm như “phải có được địa chỉ ứng dụng”, “phải chuyển giao được công nghệ cho doanh nghiệp”… Đó là yêu cầu không tưởng trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho các đề tài còn khiêm tốn và thời gian thực hiện không quá 36 tháng. Do vậy, “đối với các đề tài này, chúng tôi thống nhất là chỉ nêu yêu cầu là có bằng sáng chế bảo hộ giống cây trồng hoặc thông báo chấp nhận đơn và minh chứng về việc tiếp nhận yêu cầu thẩm định sáng chế/bảo hộ giống cây trồng, chưa cần bắt buộc phải có nơi sử dụng. Ngoài ra, với đề tài thuộc lĩnh vực nhân văn thì quan trọng là phải chỉ rõ được những nơi có thể áp dụng mô hình, giải pháp mà các nhà khoa học đề xuất”, TS. Phạm Đình Nguyên, giám đốc Quỹ NAFOSTED trao đổi nhanh bên lề cuộc họp ra mắt các hội đồng khoa học ứng dụng vào ngày 9/12/2022.

Yêu cầu sản phẩm của chương trình tiềm năng:

Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm giải pháp KH&CN với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra, sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu (nếu có); Công bố khoa học dưới một trong các hình thức sau: Ít nhất hai bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín; bằng độc quyền sáng chế được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp chưa được cấp bằng thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng bảo hộ.

Yêu cầu sản phẩm của chương trình ứng dụng:

Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kết quả của đề tài là những phương pháp, cách thức mới để giải quyết các vấn đề về xã hội, con người; Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, kết quả của đề tài là công nghệ mới, bao gồm bí quyết kỹ thuật, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

Sản phẩm của đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: 1) hai bằng độc quyền sáng chế hoặc hai) bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc một bằng độc quyền sáng chế và một bằng bảo hộ giống cây trồng; 2) một bằng độc quyền sáng chế hoặc một bằng bảo hộ giống cây trồng và một bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc một bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích.

Trường hợp chưa được cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ giống cây trồng thì phải có thông báo chấp nhận đơn và minh chứng về việc tiếp nhận yêu cầu thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền sáng chế/bằng bảo hộ giống cây trồng và kết quả tra cứu khả năng bảo hộ từ các cơ quan, tổ chức có chứng nhận hoạt động hợp pháp.

Sản phẩm của đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: hai bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín; một bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và một bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.

Nguồn: https://cesti.gov.vn/

Các tin liên quan