Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: phát triển tài sản trí tuệ để tăng giá trị doanh nghiệp

Quản trị viên 29/11/2023 Tin tức - sự kiện
Các chuyên gia đã chia sẻ, tư vấn nhiều thông tin về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ tại TP.HCM.

Chiều 23/11, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện TECHFEST - WHISE 2023 tại TP.HCM (Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2023), Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI - Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội nghị "Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ về sở hữu trí tuệ".

Theo ông Tạ Quang Minh (Viện trưởng VIPRI), hội nghị được tổ chức nhằm kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khu vực phía Nam về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) như khai thác, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN), xác lập quyền và bảo vệ quyền SHCN; các vấn đề liên quan đến hoạt động khởi nghiệp ĐMST như tài chính, định giá tài sản trí tuệ (TSTT), kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp ĐMST,… Qua đó góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN phải đối mặt trên thực tiễn. Hội nghị cũng được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của nhiệm vụ "Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST" thuộc đề án 844 (đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025) được phê duyệt tại quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

02HDKHLVhoinghiVIPRIh2.jpg

Ông Tạ Quang Minh (Viện trưởng VIPRI) phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các chuyên gia của VIPRI và đối tác đã trình bày các báo cáo tham luận xoay quanh 3 chủ đề chính gồm thông tin sở hữu công nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST (Vai trò của SHTT và thông tin sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp KHCN; Đề xuất, khuyến nghị về việc sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp); công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST (Công cụ phổ biến, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp KHCN); các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp khởi nghiệp ĐMST (Hoạt động đánh giá, định giá công nghệ - tài sản trí tuệ phục vụ khởi nghiệp ĐMST; Chính sách hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST – Điều gì có thể giúp hệ sinh thái cất cánh. Thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia khác).

Về vai trò của TSTT, theo TS. Nguyễn Hữu Cẩn (Phó viện trưởng VIPRI), một nghiên cứu của EPO & EUIPO năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp có sở hữu TSTT tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu TSTT. Số liệu từ Ocean Tomo cho thấy, cơ cấu tài sản vô hình theo giá trị thị trường của 500 công ty tên tuổi nhất ở Mỹ đã tăng từ 17% năm 1975 lên 90% trong năm 2020. Điều này cho thấy, TSTT trong doanh nghiệp có thể quyết định giá trị của doanh nghiệp trên thị trường. Những dạng TSTT có giá trị nhất của doanh nghiệp là cơ sỡ dữ liệu khách hàng (42%), công nghệ sản phẩm (40%) và thông tin R&D (23%).

02HDKHLVhoinghiVIPRIh4.jpg

TS. Nguyễn Hữu Cẩn (Phó viện trưởng VIPRI) trình bày nội dung về vai trò của SHTT và thông tin SHCN đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp KHCN 

Về vai trò của thông tin sở hữu công nghiệp, TS. Nguyễn Hữu Cẩn cho rằng, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN, thông tin SHCN là một nguồn lực cho quá trình khởi nghiệp (từ hình thành ý tưởng, nghiên cứu phát triển, mời gọi, tiếp nhận hợp tác cho đến thâm nhập thị trường); là nguồn lực của quá trình quản trị TSTT trong doanh nghiệp. Ngoài ra, thông tin sở hữu công nghiệp còn giúp khắc phục tình trạng "thông tin bất cân xứng", hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp khi tìm kiếm các thông tin về môi trường kinh doanh, thị trường, đối thủ cạnh tranh, đối tác kinh doanh; giúp thay đổi năng lực cạnh tranh thông qua thay đổi phương thức quản lý, cải tiến và áp dụng công nghệ mới, cải tiến chất lượng công việc và sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất; gia tăng cơ hội, củng cố vị thế doanh nghiệp (tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt xu hướng, cơ hội kinh doanh mới);…

Để sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả trong doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN, ThS. Bùi Tiến Quyết (Viện VIPRI) cho biết, mục đích sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp là nhằm tránh xâm phạm quyền SHCN đối với các đối tượng SHCN đã được bảo hộ của chủ thể khác; đánh giá khả năng bảo hộ của các đối tượng SHCN (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ); xác định và đánh giá công nghệ để mua, bán li-xăng và chuyển giao công nghệ, xác định các công nghệ thay thế; nắm bắt các giải pháp có sẵn cho các vấn đề kỹ thuật; tìm kiếm ý tưởng cho việc tiếp tục đổi mới công nghệ, tìm kiếm đối tác kinh doanh,…

Thực tế hiện nay, việc sử dụng, khai thác thông tin SHCN chưa được chú trọng, chưa thật sự hiệu quả, tỷ lệ đơn đăng ký được cấp văn bằng bảo hộ chưa cao; việc bảo vệ quyền đối với TSTT cũng như hoạt động thương mại hóa TSTT, chuyển giao quyền SHTT còn gặp nhiều khó khăn;…

Do vậy, theo ông Quyết, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN cần chú trọng việc tra cứu thông tin SHCN; sử dụng, đánh giá thông tin SHCN; sử dụng thông tin SHCN để thực hiện quản trị TSTT. Điều này sẽ giúp sử dụng, khai thác thông tin SHCN có hiệu quả phục vụ các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, việc sử dụng, khai thác và đánh giá thông tin SHCN nhằm kiểm tra số lượng, tình trạng pháp lý, thời gian hiệu lực các TSTT của doanh nghiệp khởi nghiệp cần hỗ trợ; phân loại mức độ các doanh nghiệp khởi nghiệp để hoạch định chiến lược ưu tiên hỗ trợ, tư vấn; nắm bắt được các giải pháp, đánh giá được công nghệ, thế mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp từ đó tư vấn cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường,… Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nên thiết lập bộ phận hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về sử dụng, khai thác thông tin SHCN; phối hợp phổ biến, hướng dẫn khai thác hiệu quả thông tin SHCN,… Ngoài ra, để sử dụng, khai thác thông tin SHCN hiệu quả, cần có cơ sở dữ liệu với thông tin dược cập nhật đầy đủ, kịp thời; có sự hợp tác của nhiều bên như cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

02HDKHLVhoinghiVIPRIh5.jpg

Đại diện Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chia sẻ một số thông tin về chính sách hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST

Về chính sách hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đại diện Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) cho biết, Quỹ đang thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp với 4 hình thức gồm cho vay ưu đãi (cho vay gián tiếp hoặc trực tiếp); hỗ trợ lãi suất vay; bảo lãnh để vay vốn; hỗ trợ vốn. Trong năm 2022 và 20223, Quỹ đã hợp tác với một số ngân hàng để triển khai cho vay gián tiếp với hình thức vay trung dài hạn (tối đa 7 năm), khung lãi suất 3,5 - 6%/năm theo nhóm đối tượng.

Đối tượng cho vay ưu đãi của NATIF là các doanh nghiệp thực hiện các dự án có nội dung chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ như: chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật chuyển giao công nghệ; chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghiệp thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết tại các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ và ngày hội khởi nghiệp quốc gia; cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp KHCN theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ;… Doanh nghiệp cần đáp ứng các nguyên tắc hỗ trợ tài chính của Quỹ cũng như đáp ứng các điều kiện kỹ thuật theo quy định của chương trình cho vay. Các doanh nghiệp có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với NATIF để được hướng dẫn cụ thể.

TECHFEST - WHISE 2023 với chủ đề "Phát huy tài nguyên đất nước – Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế" chính thức diễn ra từ ngày 23 - 25/11/2023 tại Hội trường Thành ủy (số 111 Bà Huyện Thanh Quan) và Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu), Quận 3, TP.HCM. Chuỗi sự kiện gồm nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt như hội thảo, hội nghị, diễn đàn, kết nối đầu tư, vòng chung kết, tổng kết trao giải các cuộc thi, giải thưởng về khởi nghiệp ĐMST như Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia, Giải thưởng I-Star 2023,…

Lam Vân (CESTI)

Các tin liên quan