Năm giống táo bom do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tuyển chọn, được công nhận là cây đầu dòng, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen giống táo bản địa của Ninh Thuận.
Ninh Thuận thuộc khu vực Nam Trung bộ, có điều kiện khí hậu đặc thù nhất cả nước với độ ẩm và lượng mưa thấp, số giờ nắng trong ngày cao. Cây táo là một trong những cây trồng đã tận dụng và phát huy được các lợi thế từ điều kiện khí hậu thời tiết của vùng, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao.
Diện tích trồng táo ở Ninh Thuận cũng lớn nhất trong số các địa phương trên cả nước - khoảng hơn 1 ngàn ha, tập trung tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Tỉnh Ninh Thuận có nhiều giống táo, trong đó nổi bật nhất là giống táo TN01 (táo bom) cho năng suất cao, chất lượng tốt, khối lượng quả lớn, được thị trường ưa chuộng. Mặc dù cây táo là cây trồng chủ lực và có giá trị kinh tế cao của tỉnh, nhưng nguồn gốc cây giống và bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây táo chưa được quan tâm đúng mức. Cây táo chủ yếu được người dân trồng theo kinh nghiệm, mua trôi nổi trên thị trường, nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép, không có sự chọn lọc, phục tráng giống. Ngoài ra, việc sử dụng cây giống được nhân giống từ nguồn cây mẹ không đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của giống táo.
Táo là cây trồng lâu năm, nếu người dân lựa chọn giống táo không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế. Theo quy định, đối với cây ăn quả nói chung và cây táo nói riêng, bắt buộc phải được nhân giống vô tính từ cây đầu dòng (cây tốt nhất được bình tuyển và công nhận từ quần thể của một giống cây trồng), để đảm bảo duy trì các tính trạng tốt từ cây mẹ.
Giống táo đầu dòng TN01 có khả năng sinh trưởng tốt. Ảnh: NNC
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu, tuyển chọn cây đầu dòng táo bom TN01, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen cây bản địa nói chung, giống táo TN01 nói riêng.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vật liệu là hơn 1.000 cây cá thể của các vườn táo bom TN01, có nguồn gốc táo ghép trên 12 năm tuổi sinh trưởng tốt tại thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Bằng phương pháp ghép mắt các cây trong độ tuổi cho thu hoạch ổn định từ năm thứ ba trở đi, nhóm đã đánh giá, bình tuyển và chọn được 50 cá thể táo bom TN01. Dựa vào các tiêu chí để tuyển chọn cây đầu dòng như: tuổi cây, sinh trưởng khỏe, năng suất và chất lượng ổn định (khối lượng quả, độ Brix, tỷ lệ ăn được…), ít nhiễm sâu, bệnh hại, Viện tiếp tục chọn ra được năm cá thể ưu tú, mã số TN01-8, TN01-15, TN01-21, TN01-32, TN01-38 làm cây đầu dòng.
Các giống TN01 có quả dạng hình trứng, vỏ quả có màu xanh vàng, nhẵn. Thịt quả có màu trắng, dòn, ít nhớt, có vị thơm ngon đặc trưng của giống táo bom. Cây đầu dòng táo bom TN01 có khả năng sinh trưởng tốt, tán cây tròn đều, ra quả đều và ổn định.
Giống tuyển chọn có năng suất thực thu trung bình từ 125,2 - 131,6 kg/cây/năm, khối lượng quả trung bình từ 115,8 - 128,0 g/quả, độ Brix (ngọt) 12,8 - 13,3% và tỉ lệ ăn được từ 95,4 - 96,1%. Năng suất của các giống TN01 vượt từ 34,9 - 42,9% so với trung bình của quẩn thể các giống táo đang trồng tại Ninh Thuận.
Năm giống táo TN01 nói trên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận công nhận là cây đầu dòng.
Theo Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, táo bom TN01 là giống táo bản địa (giống gốc gác địa phương Ninh Thuận), là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên và không có sự can thiệp của con người. Loại táo này có ưu điểm vượt trội như khả năng sinh trưởng khỏe, quả lớn hơn nhiều so với các giống táo khác. Khối lượng quả trung bình từ từ 8 – 10 quả/kg, quả lớn có thể đạt tới gần 300gr/quả. Tuy nhiên, trong quá trình ra quả, nếu người trồng không tỉa bớt, quả thường bị nhỏ hoặc chỉ lớn hơn một chút so với các loại táo thông thường khác.
Ngoài ra, giống táo này có thể sống ở nhiều loại đất, có bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu nên có khả năng chống chịu với gió bão, rất phù hợp để phát triển tại Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh Nam Trung bộ nói chung.
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphattrien.vn