Ngoài ra, Bộ KH&CN có tân thứ trưởng, sự đa dạng di truyền của người Việt được hé lộ và phát hiện một cấu trúc khổng lồ bí ẩn dưới lòng đất cũng là những thông tin đáng chú ý.
1. Phát hiện mới về sự đa dạng di truyền của người Việt
Giáo sư Nông Văn Hải, Viện Hàn lâm KH&CN cùng Giáo sư Mark Stoneking, Viện Max Planck (Đức), thực hiện nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ về nguồn gốc khác nhau của các dân tộc ở Việt Nam và sự giao thoa, tiếp xúc giữa người Việt với các tộc người trong khoảng thời gian khác nhau.
GS Nông Văn Hải chia sẻ kết quả nghiên cứu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Xuân/VnExpress.
Công trình này phân tích hệ gene ty thể từ 3.000 năm trước, cho thấy sự đa dạng di truyền không hoàn toàn đồng nhất với sự đa dạng trong ngôn ngữ của người Việt, góp phần đưa ra những điểm mới về đa dạng di truyền hệ gene của một khu vực đa sắc tộc như nước ta.
2. Hợp chất quý ở cây thanh trà chữa Alzheimer
Tiến sĩ Võ Văn Giàu, chuyên ngành Y Sinh học, Đại học Gachon (Hàn Quốc) sau 6 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer gây suy giảm chức năng não bộ, đã tìm ra các hợp chất hữu cơ trong cây thanh trà có tiềm năng chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cây thanh trà được trồng nhiều ở miền Tây. Ảnh: VnExpress.
Thanh trà là loại cây trồng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chứa các khoáng chất, vitamin và hàm lượng sắc tố carotenoid cao giúp chống oxy hóa. Nghiên cứu này mở ra tương lai điều chế thuốc để chữa Alzheimer mà nguyên liệu có sẵn trong nước.
3. Bộ KH&CN có tân thứ trưởng
Sáng 10/6, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố và trao quyết định của Thủ tướng điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Giang làm Thứ trưởng KH&CN. Ông Giang, 49 tuổi, quê ở Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (trái) trao Quyết định cho Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang. Ảnh: Bộ KH&CN.
Với các vị trí từng đảm nhiệm, ông Giang được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng, phát huy tốt nhất thế mạnh từ góc nhìn kinh tế, đưa KH&CN phát triển. Hiện Bộ có 5 thứ trưởng gồm các ông: Trần Văn Tùng, Phạm Công Tạc, Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định và Nguyễn Hoàng Giang.
4. Học viện Quân Y có bài đăng báo quốc tế từ kit thử nCoV
Sau khi phát triển thành công bộ thử nhanh Covid-19, bài báo của nhóm nghiên cứu Học viện Quân Y đã được Journal of Medical Virology - tạp chí chuyên về các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan đến các virus ảnh hưởng đến người - xét duyệt và xuất bản.
Nhóm nghiên cứu của Học viện Quân Y. Ảnh: Bộ Y tế.
Nghiên cứu này nhận được đánh giá cao vì mang tính học thuật lẫn thời sự, chỉ ra các phương pháp giải trình tự gene và phân tích phát sinh chủng loại, từ đó giúp các nhà khoa học hiểu thêm về SARS-CoV-2 cũng như có phương pháp xét nghiệm nhanh virus này.
5. Ra mắt nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp chuyển đổi số
Ngày 12/6, Bộ TT&TT tổ chức lễ ra mắt “Nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office”, nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, đặt ra mục tiêu đến 2025 Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng tại buổi giới thiệu nền tảng 1Office.
Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office giúp chuyển đổi số hoàn toàn các hoạt động quản trị của doanh nghiệp từ nhân sự, khách hàng, công việc, kinh doanh, truyền thông trên một nền tảng duy nhất, tạo môi trường làm việc trực tuyến hiệu quả cho toàn doanh nghiệp.
6. Nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ lặn đến nơi sâu nhất
Tiến sĩ Kathy Sullivan là phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1984, bây giờ trở thành 1 trong 8 người lặn đến Challenger Deep, điểm sâu nhất đại dương với độ sâu 10.928 mét. Đi cùng bà còn có nhà thám hiểm biển Victor Vescovo.
Kathy Sullivan và Victor Vescovo sau khi cùng nhau lặn gần 11 km đến Challenger Deep. Ảnh: Enrique Alvarez.
Chuyến đi kéo dài 10 tiếng được xuất phát ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, gần đảo Guam. Hai nhà thám hiểm thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học như kiểm tra kiến tạo, đo địa chấn. Vài tuần tiếp theo, hai nhà nghiên cứu biển khác cũng theo tàu lặn đến điểm sâu này.
7. Dạng tinh thể lỏng mới giúp màn hình chân thật hơn
Nhóm nghiên cứu Đại học Colorado Boulder (Mỹ) phát hiện một dạng tinh thể lỏng mới được gọi là hợp chất RM734, bằng cách dùng một số hợp chất tinh thể lỏng có sẵn và thay đổi điều kiện môi trường của chúng. Ở nhiệt độ thấp, hợp chất này có tính chất hóa lý giống chất rắn.
Quá trình thay đổi chiều của các phân tử trong hợp chất khi nhiệt độ thay đổi. Ảnh: Chen et al., PNAS, 2020.
Trạng thái mới của vật chất, mở ra tương lai cho ngành công nghiệp vật liệu hay đặt nền móng cho những công nghệ mới. Trong tương lai, nhiều loại màn hình mới, các công nghệ hiển thị, màu sắc hay bộ nhớ máy tính sẽ được nâng cấp và cải thiện rất nhiều.
8. Cấu trúc khổng lồ bí ẩn bên dưới lòng đất
Các nhà khoa học Đại học Maryland phát hiện một cấu trúc khổng lồ hình thành từ vật chất dày đặc nằm ở giữa lớp lõi ngoài và lớp phủ dưới Trái Đất. Cấu trúc này tạo thành vùng rộng khoảng 3.000 km nằm ngay dưới chân chúng ta bao lâu nay.
Vị trí của khối cấu trúc bí ẩn trong lòng Trái Đất. Ảnh: Vice.
Cấu trúc này không chỉ thú vị do kích thước lớn, mà còn vì chúng có thể hình thành từ các vật chất hiếm tồn tại trước cả khi Mặt Trăng xuất hiện. Những khối dị thường này có thể là vật chất nóng chảy do một vụ va chạm khổng lồ giữa Trái Đất sơ khai và vật thể có kích cỡ Sao Hỏa hơn bốn tỷ năm trước.
9. Áo khoác diệt khuẩn làm từ 11 km đồng
Công ty Vollebak ở Anh phát triển mẫu áo khoác mới tận dụng khả năng kháng vi khuẩn, virus của đồng để giúp người mặc phòng bệnh. Chiếc áo đầu tiên được tạo ra từ 11 km sợi đồng.
65% cấu tạo của chiếc áo khoác này là đồng, giúp kháng khuẩn phòng bệnh. Ảnh: Vollebak.
Đồng phát ra những ion mang điện tích tấn công màng ngoài của vi sinh vật và loại bỏ DNA của chúng. Do đó, vi khuẩn và virus không thể sinh trưởng trên bề mặt của áo. Trong tương lai, những chiếc áo như thế này sẽ được phát triển nhiều để giúp phòng chống bệnh dịch.
10. Turbine gió cao bằng tòa nhà 54 tầng
Trung Quốc xây dựng turbine gió khổng lồ ở tỉnh Hà Bắc. Với chiều cao 162 mét, công trình này tương đương tòa nhà 54 tầng và trở thành một trong những turbine gió cao nhất châu Á.
Turbine gió cao 162 mét ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Kỹ sư phải dùng cần cẩu bánh xích hạng nặng, sức nâng lên đến 800 tấn để lắp đặt thi công. Với độ cao như vậy, gió thổi rất mạnh, cánh quạt quay nhanh và tạo ra lượng điện rất lớn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất công nghiệp.
Theo Quang Niên
(Nguồn: http://khampha.vn/)