ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG VÀ HÌNH THÀNH PHÒNG THÍ NGHIỆM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐẠT CHUẨN ISO 17025

Quản trị viên 13/01/2023 Tin hoạt động
Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong bốn trụ cột của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bên cạnh Công nghệ số, Năng lượng - môi trường và Vật liệu tiên tiến

Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong bốn trụ cột của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bên cạnh Công nghệ số, Năng lượng - môi trường và Vật liệu tiên tiến (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016).Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) đã xác định Công nghệ sinh học trong CMCN 4.0 bao gồm 12 lĩnh vực khoa học công nghệ: Sinh tổng hợp; Công nghệ thần kinh; Tế bào gốc; Xúc tác sinh học; Tin sinh học; Chíp sinh học và cảm biến sinh học; Nông nghiệp chính xác; Nhiên liệu sinh học; Y học cá thể hóa; Y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; Công nghệ giám sát sức khỏe; Chẩn đoán hình ảnh Y - Sinh học.Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra những năm qua, CNSH đã thể hiện vai trò quan trọng và sức bật thông qua triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ các công tác y tế, dịch tễ, dược phẩm, thực phẩm... Những đóng góp của CNSH trong thời gian qua góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và cả dược phẩm giúp chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả.

Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại. Ảnh: Bích Hạnh

Tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển như hiện nay, dấu ấn của công nghệ sinh học xuất hiện ở hầu hết mọi ngành nghề, lĩnh vực phục vụ đời sống, từ y tế, thực phẩm tới sản xuất công - nông nghiệp… Vai trò của ngành càng được thể hiện rõ thông qua các chính sách của Chính phủ. Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy CNSH là một trong bốn lĩnh vực có các công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.  CNSH công nghệ cao cũng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020. Như vậy, có thể thấy CNSH ngày càng được chú trọng phát triển.

Tại tỉnh Bình Định, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành kế hoạch số 76-KH/TU ngày 09/7/2020 về việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 06/10/2020 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 trên địa bàn tỉnh trong đó khẳng định CNSH là một trong những ngành và công nghệ được ưu tiên phát triển: “Tập trung nghiên cứu, phát triển các công nghệ ưu tiên và các công nghệ chiến lược, nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, công nghệ sinh học, điện tử y sinh; Triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ cao trong chế biến, bảo quản, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược”.

Sau hơn 35 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH góp phần tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định. Với những tiền đề đạt được trong thời gian qua, Trung tâm  từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH tương đối đồng bộ và hoàn thiện, đồng thời nguồn nhân lực về công nghệ sinh học cũng được ưu tiên đào tạo, trình độ nghiên cứu và ứng dụng CNSH ngày một được đẩy mạnh. Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định xác định CNSH là một hướng trọng tâm cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Với những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định trong thời gian tới cùng với tiềm năng, thế mạnh của Trung tâm trong thời gian qua, Trung tâm đã đề xuất và được Sở KH&CN tỉnh Bình Định phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: Chuẩn hóa, đào tạo nhân lực để hình thành phòng thí nghiệm công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp, y dược… (Quyết định số 307/QĐ-SKHCN ngày 29/6/2022 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định ) với mục tiêu: Xây dựng và phát triển Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN trực thuộc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn Quốc gia, có đội ngũ nhân lực đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ mang tầm chiến lược từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia, định hướng nghiên cứu ứng dụng tạo các sản phẩm chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Bình Định, trong đó chú trọng một số lĩnh vực công nghệ cao của CNSH, cụ thể: Sinh học phân tử (Molecular Biology), Công nghệ vi sinh thế hệ mới, Công nghệ giải trình tự gen thế hệ mớiCông nghệ nhân nuôi mô tế bào chất lượng cao quy mô công nghiệp.

Trên cơ sở nhiệm vụ được lãnh đạo Sở KH&CN giao, Trung tâm xác định rõ mục tiêu và lộ trình kế hoạch thực hiện đến 2024, xây dựng và phát triển Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN trở thành đơn vị trực thuộc Trung tâm có năng lực, tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng chuyên sâu về CNSH.

MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG NĂM 2022

Trên cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ Chuẩn hóa, đào tạo nhân lực để hình thành phòng thí nghiệm công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp, y dược…, năm 2022, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định đã đạt được một số kết quả khả quan, cụ thể:

Nhân giống và phân lập các giống cây, giống hoa đặc trưng của tỉnh tại  Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định. Ảnh: HỒNG HÀ

1. Tiến hành đánh giá thực trạng và hoàn thiện việc sắp xếp các khu vực phòng thí nghiệm (PTN) và khu vực sản xuất thực nghiệm các sản phẩm khoa học công nghệ: Chuyển hệ thống các PTN hiện có tại Trạm (PTN Công nghệ vi sinh; PTN Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; PTN nấm ăn và nấm dược liệu) về cùng một khu vực đảm bảo tính khoa học, an toàn sinh học và không ảnh hưởng lẫn nhau; Rà soát hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu (chia tách các khu vực thí nghiệm, cải tạo các phòng đảm bảo an toàn sinh học phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, …); Sắp xếp khu vực sản xuất các sản phẩm nhóm công nghệ thực phẩm: nước tinh khiết và rượu về một khu vực riêng biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng quy tắc một chiều trong sản xuất. Cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; Hoàn thiện khu vực sản xuất các chế phẩm sinh học đảm bảo đáp ứng theo quy định về cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm sinh học theo Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm sinh học làm thức ăn bổ sung cho thủy sản và chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Số chứng nhận: TS520001 của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định ngày 26/11/2021).

2. Hoàn tất việc cải tạo sửa chữa một PTN có diện tích 57,6m2 đạt tiêu chuẩn phòng sạch. Đây là một nội dung rất quan trọng tiền đề cho việc thành lập PTN CNSH nông nghiệp và môi trường tại Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN phục vụ kiểm soát một số chỉ tiêu sinh học lĩnh vực thủy sản tiến đến được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 vào năm 2023.

Song song với quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất, trong năm 2022, Trung tâm cũng đã tiến hành Khảo sát, Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hoạt động cho PTN để đáp ứng công nhận và đăng ký đánh giá công nhận ISO/IEC 17025 cho một số chỉ tiêu sinh học lĩnh vực thủy sản. Hoàn thành Đào tạo tập huấn các nội dung liên quan quản lý PTN theo ISO/IEC 17025; Đào tạo nhân lực cho PTN công nghệ sinh học trong việc thử nghiệm một số chỉ tiêu sinh học lĩnh vực thủy sản; Xây dựng hệ thống tài liệu, phổ biến và áp dụng theo ISO/IEC 17025:2017. Cử 5 nhân sự thuộc Trạm nghiên cứu thực nghiệm KH&CN đào tạo về quản lý PTN theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, phương pháp thử nghiệm một chỉ tiêu sinh học lĩnh vực thủy sản phục vụ việc đánh giá công nhận ISO/IEC 17025:2017 vào năm 2023.

KẾT LUẬN

Nhiệm vụ Chuẩn hóa, đào tạo nhân lực để hình thành phòng thí nghiệm công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp, y dược… phù hợp với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNSH từ trung ương đến địa phương, vì vậy, cần có tổ chức chuyên biệt và chuyên môn sâu thực hiện công tác nghiên cứu theo đúng định hướng về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH phục vụ phát triển kinh tế  - xã hội nhằm chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Do đó, để phục vụ việc kiểm soát, đánh giá, kiểm định các chỉ tiêu phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đồng thời nâng cao uy tín của các công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế thì bắt buộc các kết quả nghiên cứu, đánh giá phải được thực hiện ở một PTN đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Vì vậy, việc xây dựng thành công PTN CNSH đáp ứng chuẩn ISO/IEC 17025 tại tỉnh Bình Định sẽ góp phần nâng cao vị thế ngành công nghệ sinh học nói riêng và nền khoa học công nghệ của tỉnh ngày càng chính quy, hiệu quả. Góp phần cụ thể hóa những thành tựu của CNSH vào cuộc sống, tham gia tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà.Phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh trong việc đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm khoa học và giáo dục của khu vực.

PTBH

Các tin liên quan