Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN: Nơi bảo tồn, lưu giữ nguồn gen

Quản trị viên 08/05/2023 Tin hoạt động
Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN trực thuộc Sở KH&CN Bình Định là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật của tỉnh

Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật, trong năm 2022, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Trung tâm) đã tiến hành thu thập, nhập nội, lưu giữ, bảo tồn quỹ gen của tỉnh; Đánh giá, khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn gen có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, y dược, văn hóa và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện bảo tồn và lưu giữ nguồn gen nhằm để chủ động nguồn giống phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Phòng thí nghiệm của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN – nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều loại giống cây, hoa cấy mô invitro. Ảnh: HG

Để bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật, Trung tâm đã tiến hành nhân và lưu giữ nhiều loại giống cây, hoa cấy mô invitro, như: Lan Kim Tuyến, Lan Thạch Hộc, Keo lai dòng AH1, Bạch đàn dòng U6, Lan Giả hạc Vĩnh Thạnh, Hoa đồng tiền. Qua đánh giá ban đầu, đây là những giống cây, hoa phù hợp với nhu cầu, thị trường và có giá trị kinh tế cao.

Trung tâm cũng thực hiện bảo tồn và lưu giữ các chủng vi sinh vật có giá trị kinh tế nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phục vụ nông nghiệp sạch bền vững. Hiện, Trung tâm đang nhân và lưu giữ nguồn gen các chủng vi sinh vật, như: Trichoderma sp., Saccharomyces cerevisiae, Saccharomyces cerevisiae, Lactobacillus acidophilus, Bacillus sp. Đây là các chủng giống vi sinh vật có ích, thuần, không nhiễm tạp và có giá trị kinh tế; vì thế cần được lưu giữ và phục tráng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời cung cấp các sản phẩm phục vụ nông nghiệp sạch bền vững.

Các loại chế phẩm sinh học do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN sản xuất, dùng thức ăn bổ sung, phòng ngừa bệnh, xử lý môi trường cho tôm; làm thức ăn cho lợn, gà; xử lý mùi hôi, rác thải trong chăn nuôi, rác thải sinh hoạt. Ảnh: HH

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng và duy trì mô hình vườn giống cây đầu dòng hoa đồng tiền (Gerbera) phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất. Đồng thời, bảo tồn và lưu giữ một số giống nấm có giá trị dược liệu và giá trị kinh tế, như: Nấm Hồng chi Ganoderma lucidum, Nấm sò xám Pleurotus ostreatus, Nấm sữa Calocybe indica, Nấm Rơm Volvariella volvacea, Nấm đông trùng hạ thảo: Cordyceps militaris, Nấm chân dài: Clitocybe maxima. Số lượng các giống nấm đảm bảo cung cấp đầy đủ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu của Trung tâm; đồng thời, dự trữ đủ để sẵn sàng cung cấp giống ra thị trường nếu có nhu cầu. Các loại giống nấm này hiện đang phù hợp với nhu cầu, thị trường tiêu thụ của người dân cũng như có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Hùng Cường, nhân viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN cho biết: Trong các loại giống cây và hoa cấy mô invitro, giống hoa Đồng tiền hiện nay nhu cầu thị trường rất lớn. Ngoài việc nhân, lưu giữ những giống này, Trung tâm cũng đang tiến hành nhân giống phục vụ sản xuất. Đối với 3 giống lan: Thạch Hộc, Kim Tuyến và Giả Hạc Vĩnh Thạnh, hiện nay Trung tâm đã nhân thành công trong phòng thí nghiệm; đưa ra ngoài vườn ươm nuôi trồng thử nghiệm và đang tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa. Đối với 02 giống cây lâm nghiệp là keo lai dòng AH1 và bạch đàn dòng U6, Trung tâm đã nhân thành công trong phòng thí nghiệm, đang cấy chuyền tăng nguồn giống phục vụ sản xuất. 02 giống cây lâm nghiệp này hiện tại thị trường đang rất lớn, nhu cầu cao, dự kiến mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Đối với chủng giống Trichoderma sp. là nấm đối kháng với một số chủng nấm gây bệnh thối rễ cây trồng cạn như hồ tiêu, ớt, lạc, kiệu… Trung tâm thực hiện nghiên cứu phân lập và tuyển chọn tại các địa phương trong tỉnh và được ứng dụng để sản xuất chế phẩm BITRICHO phục vụ cho trồng trọt của bà con nông dân được thuận lợi hơn, đạt năng suất hơn trong địa bàn tỉnh Bình Định. Còn với các chủng giống Bacillus sp, Lactobacillus acidophilusSaccharomyces cerevisiae, hiện nay từ các chủng này Trung tâm đã ứng dụng phục vụ sản xuất ra các loại chế phẩm BIDI-AGRI, BIDI-AQUA, BIDI-IMO, BIDI-AQUAKOI làm thức ăn bổ sung, phòng ngừa bệnh, xử lý môi trường cho tôm đồng thời làm thức ăn cho lợn, gà và xử lý mùi hôi, rác thải trong chăn nuôi, rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đối với các giống nấm sò xám và giống nấm rơm, Trung tâm đã nhân giống sản xuất đại trà để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Còn với giống nấm Đông trùng hạ thảo được nhập về từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển nấm – Viện di truyền nông nghiệp, Trung tâm tâm đang thực hiện sản xuất ra các sản phẩm đông trùng hạ thảo phục vụ nhu cầu của thị trường.

Việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật của Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen thực vật, vi sinh vật và nấm cho tỉnh; lưu giữ giống phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, cung cấp nguồn giống tốt, sạch bệnh khi thị trường, người dân có nhu cầu; Đồng thời, cung cấp cây giống giá trị kinh tế cao, giống vi sinh chất lượng để xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.

HƯƠNG GIANG

Các tin liên quan