Sử dụng chế phẩm sinh học thúc đẩy nuôi tôm bền vững tại Bình Định

Quản trị viên 06/11/2023 Tin tức - sự kiện
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm không chỉ là một tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà còn là hướng đi bền vững. Nó giúp tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường, giảm chi phí sản xuất, và nâng cao hiệu suất kinh tế. Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định đang nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm sinh học vào ngành nuôi tôm.

Bình Định là một trong các tỉnh phát triển ngành nuôi tôm mạnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Mặc dù đóng góp quan trọng cho kinh tế và giúp tăng thu nhập cho người dân, ngành nuôi tôm ở Bình Định cũng đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Hồ nuôi tôm kém quản lý gây ô nhiễm nước và đất đai, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của tôm; dịch bệnh và ô nhiễm môi trường dẫn đến tỷ lệ sống của tôm thấp và chi phí sản xuất tăng. Đây là một thách thức lớn đối với ngành nuôi tôm Bình Định.

Các chế phẩm sinh học BIDI-AGRI, BIDI-AQUA là sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định. Ảnh: HG

Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định (viết tắt là Trung tâm) thuộc Sở KH&CN Bình Định có nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào phục vụ đời sống và sản xuất, bao gồm việc phát triển các sản phẩm chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp. Cho tới nay, Trung tâm đã xây dựng bộ sưu tập hơn 20 chủng vi sinh vật quý hiếm, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học như: BIDI-AGRI, BIDI-AQUA, BITRICHO... ứng dụng thành công trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học của Trung tâm thời gian qua đã có nhiều đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và bảo vệ môi trường tại Bình Định. Đặc biệt, các chế phẩm sinh học của Trung tâm đã phát huy hiệu quả tốt trong lĩnh vực nuôi tôm ở địa phương, như: xử lý môi trường nước, cải tạo đáy ao nuôi tôm, giúp loại bỏ các chất hữu cơ gây ô nhiễm, tạo môi trường sạch cho tôm phát triển; bổ sung vi sinh vật có lợi vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng và hệ tiêu hóa cho tôm, phòng ngừa một số bệnh thường gặp ở tôm…

Ông Đồng Minh Tịnh sử dụng chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu và sản xuất để xử lý môi trường nước của ao tôm. Ảnh: Hồng Ngọc

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn của ngành thủy sản, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng mô hình nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong nuôi tôm thương phẩm bền vững. Nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn bao gồm hệ thống ba ao: ao ươm (giai đoạn 1), ao ươm thứ hai (giai đoạn 2), và ao nuôi thương phẩm. Các ao này thường được lót bạt để duy trì nhiệt độ nước, trong đó ao giai đoạn 1 thường là ao xi măng hoặc ao đất được đặt trong nhà màng. Phương pháp này đã được triển khai thành công tại nhiều nơi trên cả nước, như: Đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn Việt - Úc và một số hộ dân ở Bình Định thời gian qua. Việc ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp kỹ thuật nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn của Trung tâm bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Ông Đồng Minh Tịnh (ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, thường gặp các vấn đề về dịch bệnh và hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2023, ông bắt đầu sử dụng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu và sản xuất để trộn vào thức ăn cho tôm cũng như xử lý môi trường nước. Kết quả, sau 3 tháng tôm phát triển tốt, khỏe mạnh, đạt kích cỡ khoảng 45 con/kg. Ông Nguyễn Đại Hiệp - nhân viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định cho hay: Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đã giúp tối ưu hóa quy trình nuôi, từ việc cải thiện thức ăn cho tôm đến quản lý môi trường ao nuôi. Điều đó giúp tăng năng suất tốt hơn, giảm nguy cơ dịch bệnh, và tăng chất lượng tôm nuôi. Không chỉ thế, việc ứng dụng công nghệ sinh học còn hạn chế sử dụng kháng sinh như kiểu nuôi truyền thống, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nhìn chung, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm của Trung tâm thời gian qua đã mang lại nhiều tác động tích cực như: Cải thiện môi trường nước, giảm ô nhiễm hữu cơ và độc tố; tăng cường sức đề kháng và hệ tiêu hóa cho tôm; phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ chết do bệnh; kích thích tôm ăn và tăng trưởng nhanh hơn; tăng năng suất và chất lượng tôm thương phẩm; giảm sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại; tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm và góp phần phát triển bền vững ngành nuôi tôm theo hướng sạch. Từ đó có thể thấy, các sản phẩm chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu đang từng bước phát huy hiệu quả thiết thực. Thông qua các mô hình và hoạt động chuyển giao công nghệ, Trung tâm đã góp phần nâng cao trình độ và nhận thức cho người nuôi tôm địa phương; từ đó giúp ngành nuôi tôm Bình Định phát triển bền vững.

HƯƠNG GIANG

Các tin liên quan