Nhằm giúp cho công chức phụ trách khoa học công nghệ và các công chức phụ trách về mảng sản phẩm OCOP ở địa phương, HTX các huyện và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cập nhật các văn bản pháp luật về việc đăng ký sử dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và dịch vụ; việc ghi nhãn hàng hoá và nâng cao nhận thức xã hội về tài sản trí tuệ, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp.
Ngày 08.12, thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh năm 2023” do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định giao, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tổ chức Hội nghị “Tập huấn về Quản lý và phát triển sản phẩm OCOP của địa phương”. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Hội Nông dân tỉnh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng NN&PTNT, HTX các huyện và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tập huấn.
Tại hội nghị, Ths Võ Cao Thị Mộng Hoài -Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định chia sẻ, chương trình tập huấn về quản lý và phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương là hoạt động hết sức có ý nghĩa, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thêm hiểu biết về áp dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn hàng hóa và quản trị nhãn hiệu sản phẩm OCOP góp phần xây dựng thương hiệu, nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phát biểu tại hội nghị.
Thông qua buổi hội nghị này, lãnh đạo Sở cũng đã chia sẻ các chính sách mới của địa phương về khoa học và công nghệ trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, nhằm khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mạnh dạn và quyết tâm đổi mới sáng tạo trong kinh doanh.
Ông Đinh Xuân Nhật - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN chia sẻ các chính sách mới của địa phương về khoa học và công nghệ.
Tại hội nghị, các đại biểu được trang bị các kiến thức về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: giới thiệu về mã số, mã vạch; ứng dụng và lợi ích của mã số, mã vạch; quy định quản lý và sử dụng mã số, mã vạch; hướng dẫn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; hiện trạng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam; kiến thức cốt lõi về tài sản trí tuệ thông qua việc quản lý các nhãn hiệu và cập nhật các văn bản luật SHTT mới ban hành và sửa đổi.
Ông Trần Quốc Trường - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ các kiến thức về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Chương trình tập huấn đã cung cấp những kiến thức thiết thực, sát với nhu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt được những kiến thức cơ bản về mã số mã vạch, ứng dụng của mã số mã vạch trong thực tế, về chức năng và cách sử dụng hệ thống quản lý mã số mã vạch. Hiểu rõ về truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam. Hiểu các bước quản trị nhãn hiệu. Và áp dụng được vào thực tiễn cho các sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp đang xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Đại diện Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN chia sẻ kiến thức về quản trị nhãn hiệu.
Đây là hội nghị tập huấn với nhiều ý nghĩa, hữu ích và cần thiết cho công chức phụ trách khoa học công nghệ địa phương, công chức phụ trách mảng sản phẩm OCOP của địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn huyện tỉnh Bình Định.
Hoa Đỗ